Người đó là T., ở xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM). T. nói mình từng là học trò của ông chủ cà phê T.Q có tiếng ở Q.12 nhiều năm. Sau khi có kinh nghiệm, T. ra riêng, tự chế biến cà phê đi bỏ mối.
Nửa ngày và 1 tấn “cà phê đặc biệt”
Sáng hôm sau, tôi cùng T. vận chuyển các loại hóa chất cùng 1 tấn đậu nành tới lò rang gia công cách nhà T. 2 cây số. Công nhân của lò chia số đậu nành của T. ra làm 5 mẻ (mỗi mẻ 200 kg) rồi lần lượt đổ vào lò rang (giống kiểu máy trộn bê tông). Sau 45 phút, ước chừng đậu nành đến độ, công nhân cúp cầu dao để xả đậu nành xuống nền đất, chuyển sang công đoạn tẩm 30 kg màu caramel và 5 lít rượu trắng, lập tức những hạt đậu nành chuyển sang màu cà phê đóng thành từng bánh; công nhân phải dùng cào, cào mỏng ra nền đất cho nguội. Tiếp đến là công đoạn “tẩm” hóa chất. “Công đoạn này quan trọng nhất, vì nó sẽ biến hạt đậu nành thành cà phê” - T. bật mí.
T. thuần thục lấy từng loại hóa chất: 2 lạng đường hóa học; 5 kg bơ; 2 lạng tinh cà phê Đông Đức; 1 lạng tinh cà phê Pháp; 2 lạng tinh sữa bột; 1 lạng vanilla; 3 lạng béo dừa; 2 lạng tinh hôi (T. giải thích tinh này để nguyên chất sẽ rất hôi, nhưng pha loãng ra lại cực kỳ thơm); 1 lạng bột béo; 2 lạng sô cô la; 2 lạng ca cao đắng; 1 lạng tinh sữa đục; nửa lạng chất tạo bọt, 2 lạng CMC; 1 lạng bột màu công nghiệp... muối ăn và nước mắm. Tất cả những thứ này T. cho hết vào một chiếc chậu lớn, dùng máy quậy đều. Khi chậu hóa chất hỗn hợp được pha xong thì đậu nành cũng được công nhân đổ vào máy đánh tơi.
Khoảng 30 phút sau, T. tắt máy để công nhân xả đậu nành ra từng bao 50 kg. Cứ như vậy, sau nửa ngày làm việc vất vả, tôi chứng kiến 1 tấn đậu nành được T. biến thành 1 tấn “cà phê đặc biệt”.
“Ít ai đặt cà phê thật 100%”
T. cho biết, muốn tạo mùi cà phê hương chồn, chỉ việc lên chợ Kim Biên mua tinh hương chồn về trộn cùng với bơ, màu caramel, bột béo, muối và mắm ăn, đường hóa học... để “tẩm” vào đậu nành là thành cà phê “hương chồn đặc biệt”. Hoặc nếu khách hàng thích và đặt hàng cà phê Moca thì mua tinh Moca về “tẩm”…
Cũng theo T., cà phê có hàng trăm mùi vị khác nhau, vì vậy để tạo phong cách riêng của mỗi thương hiệu, các ông chủ chỉ việc mua các loại hóa chất về để “tẩm” vào đậu nành. Đặc biệt, trong quá trình thực tế, chúng tôi ghi nhận trong 15 loại hóa chất có 3 loại hóa chất gây nguy hiểm cho người sử dụng là hóa chất tạo bọt, hóa chất làm sánh cà phê (tức CMC chuyên dùng làm hồ vải) và bột màu công nghiệp. Tỷ lệ pha là 2 lạng CMC và nửa lạng chất tạo bọt và 1 lạng màu cho 200 kg đậu nành.
“Vậy nếu là cà phê thật thì có cần hóa chất?” - tôi hỏi. T. nói: “Nếu cà phê hạt thì cần gì hóa chất, chỉ cần trộn 4 kg đường trắng (trộn trong lúc hạt cà phê rang nóng 200 độ) và 5 lạng muối, 1 lít nước mắm là xong. Nhưng nếu rang cà phê thật thì phải bán với giá trên 200.000 đồng/kg. Vì vậy, ít ai đặt cà phê thật 100%, người ta hay pha trộn theo tỷ lệ 8 đậu 2 cà, hoặc 7 đậu 3 cà (7 đậu nành + 3 cà phê) hoặc tùy theo chủ quán đặt hàng để bán với giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg. Nhưng cũng có khi tôi giao giá 120.000 đồng/kg mà chẳng có hạt cà phê nào”.
Ngày hôm sau, tôi chứng kiến T. xay đậu nành để đóng gói vào 2 loại bịch 1 kg và 1/2 kg, bên ngoài có ghi: "98% cà phê hạt Buôn Mê đặc biệt"... sau đó mang đi bỏ mối cho các quán là bạn hàng chuyên nghiệp, với giá từ 60.000 đến 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, T. còn đóng thêm 10 bao (mỗi bao 10 kg) để công nhân chở ra Bến xe An Sương gửi xe đò lên Bảo Lộc.
"Ông thấy không, mỗi ngày tôi giao cho khách ruột ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu và một hãng cà phê nổi tiếng ở Bảo Lộc 1 tấn đậu nành cà phê. Chứng tỏ công nghệ sản xuất cà phê bột của tôi cũng không thua kém những thương hiệu cà phê nổi tiếng chứ", T. nói vẻ tự hào.
Đổ hóa chất ra chậu để “tẩm” vào đậu nành
Đậu nành vừa mới đổ và trộn màu caramel
Trộn xong màu, đậu nành được đổ ra nền đất - Ảnh: Hoài Nam |
Khám xét “lò” cà phê dỏm Xuân Hoành Ngày 17.7, Công an Q.12 phát hiện và tạm giữ xe ô tô biển số 50D-001.42 đang vận chuyển 450 kg đậu nành và 50 kg bắp đã tẩm hóa chất thành cà phê. Lái xe khai số hàng trên là của cơ sở cà phê Xuân Hoành (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) vận chuyển ra bến xe gửi xe đò, để giao cho Công ty Hoàng Phong ở TP.Quảng Ngãi. Lập tức, tổ công tác làm thủ tục khám xét cơ sở Xuân Hoành. Tại đây, tổ công tác lập biên bản 8,5 tấn đậu nành chưa rang; 1 tấn đậu nành đã rang xong và được tẩm hóa chất; 950 kg bắp chưa rang; 900 kg vỏ cà phê dùng làm thức ăn chăn nuôi; 150 kg cà phê loại 1 (trọng lượng 1 kg/bịch); 410 kg cà phê loại 2 đều thành phẩm đã được đóng gói mang nhãn hiệu cà phê Xuân Hoành, chuẩn bị đi bỏ mối cho các quán; 12 hóa chất các loại dùng để chế biến cà phê. Ngoài ra, tổ công tác lập biên bản ghi nhận tại cơ sở chế biến cà phê Xuân Hoành có 2 máy rang đậu nành công suất 120 kg/mẻ, 2 máy xay và 2 máy đóng gói thành phẩm... Vụ việc đang được Công an Q.12 làm rõ.
Hoài Nam |
Sử dụng đường độc hại Khi Báo Thanh Niên phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra cơ sở rang, xay cà phê, ngũ cốc Thông Phát, thì phát hiện tại đây sử dụng rất nhiều loại phụ gia, phẩm màu, hóa chất, đường cấm, và cả đường không rõ nguồn gốc. Cụ thể có đường Sodium Cyclamate loại bao 1 kg (bao bì có chữ Trung Quốc), đây là loại đường Bộ Y tế nghiêm cấm cho vào thực phẩm bởi nó gây hại cho sức khỏe; và một loại đường hóa học khác rất lạ, chỉ toàn tiếng Trung Quốc (loại bao 0,5 kg), ngay cả thành viên đoàn thanh tra cũng không thể biết đường gì; 7,5 kg chất bột trắng (không có nhãn mác); nhiều can nhựa đựng dung dịch, phụ gia không có nhãn mác; chất CMC để tạo đặc sánh cho cà phê... Không chỉ gia công “cà phê” theo đơn đặt hàng của khách, cơ sở ông Thông còn sản xuất “cà phê” thương hiệu “cà phê” Sọi.
Thanh Tùng- Đàm Huy |
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: thanhnien.com.vn
Ý kiến bạn đọc