Lâu nay, tín đồ cà phê trong nước, ngay cả cư dân thủ phủ cà phê là Buôn Mê Thuột, Dak Lak, khi nói đến cái tên "cà phê chồn" đều chỉ cho đó là truyền thuyết, ít ai dám mạnh miệng tuyên bố họ đã được mục sở thị hoặc thưởng thức cà phê chồn thứ thiệt.
Tuy nhiên, những người trong nghề khẳng định cà phê chồn Việt Nam là một huyền thoại có thật, và đắt đỏ vào hạng nhất thế giới. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc của hệ thống cà phê Trung Nguyên cho biết Trung Nguyên đã sản xuất thương hiệu cà phê chồn của riêng mình với tên gọi Weasel. Mỗi kg cà phê Weasel có giá 3.000 USD, cao hơn nhiều so với Kopi Luwak của Indonesia, được rao dưới 600 USD một kg.
Chồn ăn hạt cà phê ngoài tự nhiên sẽ cho ra những hạt cà phê thơm ngon hơn cà phê từ chồn nuôi nhốt. Ảnh: amusingplanet.com |
"Sở dĩ cà phê chồn Việt Nam đắt vì quy trình sản xuất cầu kỳ và hoàn toàn thủ công", đại diện của Trung Nguyên giải thích. Khác với Indonesia, những người sản xuất cà phê chồn tại Việt Nam không nuôi nhốt chồn và ép chúng ăn cà phê sẵn có.
Một trong những lý do khiến cà phê chồn ngon vì con chồn thường chọn ăn quả ngon lành, chín mọng. Chồn bị "cưỡng bức" ăn hạt cà phê sẽ cho ra sản phẩm không được như chồn ngoài tự nhiên. Đội ngũ chồn ăn hạt và "sản xuất" phân hiện sống hoang dã rải rác khắp vùng Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột, Kon Tum, Đắc Nông, với số lượng không nhiều như trước do nạn săn bắn.
Nguyên liệu thô được thu mua với giá từ 1 đến 10 triệu đồng mỗi kg (tùy thuộc vào chất lượng hạt cà phê, thành phần lẫn trong phân) từ nông dân, thương lái. Sau đó, Trung Nguyên tiến hành sản xuất với nhiều tiêu chí cầu kỳ như thời gian từ lúc chồn cho ra sản phẩm đến lúc bắt đầu chế biến không nên quá 24 giờ, tiếp đến hạ thổ (đưa xuống lòng đất) 343 ngày. Khâu hạ thổ này rất quan trọng để cà phê phân rã vỏ một cách tự nhiên, thay vì dùng máy tách như thông thường.
Sau khi trải qua các công đoạn cầu kỳ như trên, cà phê Weasel có giá lên đến 3.000 USD một kg. Gói nhỏ 250g được bán ở 750 USD.
Tuy nhiên, kể cả những người có tiền cũng khó mà mua cà phê chồn Weasel vì mỗi năm Trung Nguyên chỉ sản xuất được từ 40 đến 50 kg. Do đó, sản phẩm này hiện chưa dành xuất khẩu mà chỉ bán ở số lượng nhất định theo đơn đặt hàng của các khách hàng VIP.
Đại diện của Trung Nguyên tặng cà phê chồn Weasel cho Giáo sư Tom Cannon khi ông đến Việt Nam hồi 2009. Ảnh: PV |
Ngoài ra, cà phê chồn Weasel là món quà độc đáo dành tặng các vị nguyên thủ quốc gia khi họ đến Việt Nam. Gần đây nhất, món quà cà phê chồn Weasel được trao đến tay Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khi bà đến Việt Nam tháng trước. Chủ tịch nước cũng từng tặng quà tương tự cho chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton khi ông sang Việt Nam. Trong chuyến thăm Tây Ban Nha hồi tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch nước đã tặng cà phê chồn Weasel cho Thủ tướng và Quốc vương nước này.
Ngoài cà phê Weasel làm từ chồn tự nhiên, nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đã thử nghiệm nuôi chồn để thu cà phê. Mô hình này nổi lên tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột thời gian gần đây.
Cà phê làm từ chồn nuôi nhốt giá không cao bằng chồn tự nhiên. Đại diện một công ty cà phê cho biết sau khi thu mua phân chồn lẫn cà phê từ người nuôi, họ chế biến và bán với giá hơn 600 USD một kg. "Tuy nhiên chỉ khi nào có đợt đặt hàng chúng tôi với sản xuất", anh cho biết.
Dù Việt Nam có sản xuất cà phê chồn, thậm chí có loại hảo hạng, nhưng cho đến nay cà phê Kopi Luwak của Indonesia vẫn nổi tiếng là đắt nhất thế giới và được nhiều người biết đến hơn, đại diện của Trung Nguyên chia sẻ.
Ở trong nước, với mức giá "trên trời", cà phê chồn vẫn là khái niệm xa lạ với đa số người dân, có chăng họ mới chỉ có cơ hội nếm cà phê chồn "hương liệu". Một tín đồ ghiền cà phê là anh Trung Hiếu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã uống phải cà phê chồn nhái khi vào các quán trưng biển "Cà phê chồn" hoặc được bạn bè biếu và không thấy có gì đặc biệt, thậm chí mùi vị còn khá tệ. "Nhiều quán in tên 'Cà phê chồn' trong menu, giá cao lắm cũng chỉ vài chục nghìn đồng một ly nên tôi biết ngay là đồ dỏm", anh nói.
Với đại đa số người sành cà phê, việc tìm cà phê chồn để thưởng thức dù ở Sài Gòn hay Hà Nội là điều không thể. Anh Hùng, nhân viên một quán cà phê lớn ở Hà Nội nói thẳng: "Ở mấy quán từ Nam chí Bắc làm gì có cà phê chồn, chỉ có loại hương chồn và đó cũng chỉ là cái tên ăn theo mà thôi".
Nguồn: http://vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc