Ngành cà phê Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng

Theo hãng tin Reuters, ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì nhiều lý do: trốn thuế, quản lý yếu kém, mất khả năng thanh toán, vốn vay lãi suất cao và tín dụng bị thắt chặt. 
Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất cà phê hạt Robusta nhiều vị đắng, thường được sử dụng để sản xuất bột cà phê hòa tan. Việt Nam đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng vững chắc với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, trong số 127 DN xuất khẩu cà phê năm 2012, 56 đơn vị đã ngừng kinh doanh hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh khác do không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng, theo số liệu báo cáo của ngành cà phê Việt Nam.
cà phê xuất khẩu (Ảnh: internet)
cà phê xuất khẩu (Ảnh: internet)
Một khảo sát của Reuters cho thấy, niên vụ cà phê 2013/2014 của Việt Nam được dự báo sẽ bội thu với sản lượng khoảng 17 – 29,5 triệu bao cà phê (bao = 60 kg hay 132 cân Anh), khiến tình trạng vượt cung cà phê trên toàn cầu càng trở nên tồi tệ và gây thêm áp lực lên giá cà phê, vốn đã giảm khoảng 10 % kể từ tháng Mười đầu vụ
 
Giá trị nợ xấu của ngành cà phê hiện ở mức 8.000 tỷ đồng (tương đương 379 triệu USD), chiếm 60% tổng dư nợ của toàn ngành, Reuters trích số liệu từ một báo cáo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký vào tháng trước.
 
“Không ai muốn thừa nhận họ sẽ phá sản”, một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. “Một khi đã bị phá sản, họ không bao giờ có thể vay từ ngân hàng một lần nữa và hoạt động kinh doanh của họ thế là chấm dứt.”
 
Các doanh nghiệp cho rằng ngành ngân hàng đã gây khó khăn trong việc cho vay. Lạm phát cao năm 2010/2011 đã khiến các ngân hàng liên tục nâng lãi suất để thu hút tiền gửi từ đó dẫn tới lãi suất cho vay cũng tăng cao. Trong khi đó, nhiều đại lý cà phê ở nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tự đào hố chôn mình bằng cách phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay và thiếu kỹ năng tham gia thị trường cà phê kỳ hạn. Giá cà phê trên thị trường kỳ hạn London đã chạm mức cao nhất 3 năm, khoảng 2.600 USD/tấn vào đầu năm 2011, nhưng sau đó đã tụt xuống dưới 2.000 USD/tấn.
 
Những tay “mối lái” cà phê cũng đóng vai trò không nhỏ trong cuộc khủng hoảng khi họ lừa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu những lô hàng cà phê nhân kém chất lượng, khiến họ buộc phải bán lại với giá thấp. “Những tên trung gian này thậm chí còn đặt bu lông kim loại vào các bao cà phê để ăn gian trọng lượng”, Joyce Liu, một nhà phân tích đầu tư của Phillip Futures ở Singapore cho biết.
 
Để hỗ trợ cho ngành cà phê, Chính phủ đã quyết định giãn nợ cho các doanh nghiệp cà phê từ 12 tháng lên 36 tháng. Nhưng giới thương nhân cho biết động thái này có lợi cho các ngân hàng nhiều hơn, bởi theo đó các khoản nợ của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ không bị liệt vào hàng “nợ xấu”.
 
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng được Chính phủ chấp thuận cho mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê, tương đương 1/5 tổng sản lượng cả nước để trợ giá, cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ưu đãi để mua hạt cà phê từ người nông dân.
 
Tuy nhiên, đợt mua dự trữ như cuối năm 2010 đã thất bại khi chỉ có 60.000 trong số 200.000 tấn cà phê được thu mua do trục trặc trong công tác hậu cần và giải ngân chậm trễ.
 
Các ngân hàng cho biết họ không có lệnh cấm cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vay thêm tiền, (lãi suất khoảng 10 – 16,5 %/năm), nhưng thừa nhận họ không muốn cho đối tượng này vay.
 
“Chúng tôi không có bất cứ rào cản nào đối với việc cho các công ty cà phê vay, nhưng chúng ta cần phải thận trọng với các khoản nợ xấu. Việc kinh doanh cà phê hiện tại là khá bấp bênh, vì vậy lĩnh vực này không có trong danh sách ưu tiên của chúng tôi”, vị phó phòng khách hàng một ngân hàng thương mại lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, xin dấu tên, cho biết.
 
Một khi thiếu tiền, các doanh nghiệp xuất khẩu có khuynh hướng bán cà phê hạt để trả nợ thay vì là tích trữ.
 
Thế nhưng, giá trong nước lúc này đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 16 tháng (dưới 40.000 đồng một kg, tương đương 1,9 USD/kg) sau khi giá cà phê tương lai trên thị trường London chạm mức thấp nhất 32 tháng do những lo ngại về tăng sản lượng toàn cầu. Người nông dân thì không muốn bán với giá dưới 40.000 đồng.
 
Trong khi cuộc khủng hoảng cà phê Việt Nam vẫn chưa có lối thoát thì Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới có thể chớp cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi sản xuất cà phê của nước này được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục mọi thời đại trong vụ mùa này.
 
Nếu không có sự gia tăng tiêu thụ toàn cầu, nhà sản xuất hàng đầu Brazil và một số nước sản xuất khác có thể nâng tồn kho thế giới lên mức cao nhất 5 năm trong niên vụ 2013/2014, tiếp tục giữ áp lực giảm giá.
 
“Có thể có một cuộc cải tổ toàn bộ ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam, và ngay lập tức Brazil và Indonesia sẽ hưởng lợi từ tình hình này”, ông Liu nói.
 
Các thương nhân trong nước cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng của ngành cà phê của Việt Nam là sự can thiệp của chính phủ để các ngân hàng có thể cho vay. Nhưng các ngân hàng đang né tránh các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hoặc cung cấp cho họ với mức lãi suất mà họ không thể chịu nổi. Một nhà xuất khẩu hàng đầu khẳng định chắc chắn rằng các công ty đang gặp khó khăn có thể hồi phục nếu họ nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng. Nhưng không có gì để chắc chắn là họ sẽ nhận được.
 
 

Nguồn tin: Reuters

  Ý kiến bạn đọc

ang

qctrai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây