Thách thức từ những ngày đầu
Chủ đầu tư công trình vốn cũng là một người con của Huế, tuy lập nghiệp xa quê nhưng trong lòng anh vẫn luôn canh cánh nỗi niềm “muốn nhìn thấy Huế tại nơi mình lập nghiệp”. Nghĩ vậy mà mỗi khi có dịp thuận tiện, hai vợ chồng anh đều ra sức tìm kiếm ý tưởng về việc xây dựng một không gian Huế tại vùng đất mới. Rồi không bao lâu, họ đã tìm thấy được một kiến trúc sư trẻ đồng hương cùng chia sẻ nguyện vọng về một công trình mơ ước.
Đối với kiến trúc sư Nguyễn Tiến Khoa - phụ trách mảng quy hoạch của Công ty Hoàng Linh, vị trí đất nằm tương đối khuất của Hoàng Cung quán được anh xem như một điểm mạnh bởi nó thể hiện trọn vẹn tính trầm lắng của một công trình thuần chất Huế. Đó là lí do ngay khi nhận mặt bằng, toàn bộ không gian chức năng của nhà hàng, vườn trà, phòng karaoke trong “nội viên” trên diện tích 1.800m2 đã được anh phân bổ khá hợp lý và hài hòa. Điều khó nhất theo anh Khoa khi thiết kế công trình này là mang được cái hồn của vùng đất kinh kỳ vào một không gian đô thị mới.
Khi tự đánh giá về công trình mình, anh Khoa khiêm tốn cho biết: “Hoàng Cung quán không chỉ là một công trình thiết kế của riêng cá nhân tôi mà còn là kết quả của tập thể lao động trong suốt 14 tháng ròng. Chủ quán vừa là một đối tác, vừa là một người anh khi đưa ra cho chúng tôi những ý kiến đóng góp mang tính quyết định”.
Mối giao hòa giữa truyền thống và hiện đại
Cánh cổng tam quan được thiết kế cách điệu chỉ với duy nhất một cửa chính mở ra không gian đậm chất Huế trầm mặc, mà biến ảo đến vô chừng. Lần qua ngạch “ngọ môn”, men theo từng dãy hành lang đá là đã đến được với một Hoàng Cung thu nhỏ. Từ những hoa văn rồng, phượng, các Hán tự được chạm trổ tinh vi trên những ô bông gió, đến các đầu hồi, mái nhà, rường, cột có kết cấu chặt chẽ… tất cả đã làm nên một không gian thư giãn tuyệt vời.
Dễ nhận thấy ở từng mái nhà, kết cấu bờ mái quyết cong có trang trí họa tiết tinh xảo tạo tính thẩm mĩ thị giác cong thật sâu sắc, có hồn. Từ kiến trúc cầu lưu hay vòm vỏ cua đến kiến trúc trùng thiềm điệp ốc (mái chồng lên nhau) hay trùng thiềm trùng lương (nhà nối liền nhà) mang hơi thở hiện đại được vận dụng hợp lý, nhà thiết kế đã giúp cho công trình bớt đi những nét cổ điển kinh viện. Thay vào đó, Hoàng Cung quán vẫn phảng phất nét đẹp cách tân nhưng không xa rời truyền thống kinh kỳ. Nội thất của Cung đình quán cũng khá ấn tượng. Những vì kèo, giá thủ được chạm khắc độc đáo có màu sắc trang nhã càng làm tôn lên bản sắc Huế cho toàn bộ khối công trình.
Hoàng thành Huế vốn chỉ là nơi dành cho vui chúa nhưng Hoàng Cung quán luôn rộng cửa phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Trục đường chính đi đến trái tim của công trình có hình dạng chữ Đinh chia không gian thành hai mảng song lập. Này là kiến trúc của Nghênh Phong Các, nơi các vua chúa khi xưa ngự thiện được nhà thiết kế lấy ý tưởng từ Chùa Một cột phương Bắc, kia là “Điện thái Hòa” nằm ở vị trí trung tâm của bản quy hoạch tổng thể. Quả thật không ngoa khi có thể khẳng định những công trình kiến trúc tại đây được nhà thiết kế và chủ đầu tư dụng công chắt lọc gần như nguyên mẫu của kiến trúc cổ kính được lưu giữ ở Huế.
Có thể nói linh hồn của các công trình kiến trúc Huế là cảnh quan. Chính sự hài hòa cao độ giữa âm và dương, tĩnh và động, đóng và mở trong không gian kiến trúc đã làm cho Hoàng Cung quán trở thành một điểm lui tới thường xuyên của những gia đình mong thoát khỏi “chốn lao xao” của đời sống đô thị. Trải tầm nhìn từ khu vực trà thiền, khách đối ẩm sẽ thu vào tầm mắt một vùng không gian xanh ngát của hồ thủy cảnh. Màu xanh của cảnh quan vừa là cánh cửa vô hình để đóng, mở không gian nơi đây một cách tinh tế. Cho nên dù ngồi ở nhà hàng lớn, hay tại quầy bar khu vực tầng hầm… thực khách đều có thể thưỡng lãm được một vùng không gian riêng, yên tĩnh.
Thành công là khi được làm việc hết sức mình
Giờ đây, Hoàng Cung quán không chỉ là niềm tự hào của riêng gia chủ và chàng kiến trúc sư trẻ mà đã trở thành một địa chỉ văn hóa của tỉnh Bình Dương. Hỏi anh Khoa về giá trị của hai chữ thành công, anh cười thật tươi và nhấn mạnh: “Theo tôi, thành công là khi biết dung hòa giữa cái tôi cá nhân trong thiết kế và những yêu cầu của khách hàng qua mỗi công trình. Thành công còn là được sống và làm việc trong một môi trường năng động của công ty, được thả hết sức mình trong mỗi bản vẽ để bất kỳ dù một công trình lớn hay nhỏ, nhà thiết kế đều có thể hãnh diện gọi một cái tên chung là tác phẩm”.
Càng về đêm, khách đến Hoàng Cung quán càng đông nhưng không vì thế mà bầu không khí chung của không gian bị phá vỡ. Ai cũng có thể tìm được cho mình một góc bình yên tại quán nhỏ. Để vừa hít hà tô bún Huế cay nồng, thưởng thức ly cà phê đắng thơm lựng vừa có thể trả công cho chủ đầu tư và cho kiến trúc sư bằng một cảm giác thư thái, tĩnh tại, chan hòa.
Nguồn tin: DiaOcOnline.vn
Ý kiến bạn đọc