Theo báo cáo của Hiệp hội Vicofa, VN có hơn 150 DN xuất khẩu cà phê, phần lớn các DN đều không đủ nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ cà phê.
Không chỉ là vốn
Từ năm 2008 - 2011, tổng số tiền trả lãi của Cty mẹ Thái Hòa (THV) lên khoảng 602,5 tỉ đồng, tăng trung bình 55%/năm. Trong khi đó, số vốn chủ sở hữu của Cty chỉ đạt 550 tỉ đồng, không đủ để trả lãi vay. Theo ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch THV, với mô hình hoạt động khép kín từ trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê, Thái Hòa đã đầu tư quá nóng với hơn chục dự án trong tay. Khi lãi suất tăng vọt và biến động quá lớn trên thị trường xuất khẩu cà phê cuối năm ngoái giá từ 2.350 USD/tấn về 1.500 USD/tấn khiến Cty liên tiếp rơi vào tình thế bị “đánh kép” - ông An chia sẻ.
Ngay cả một “ông lớn” đã từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng là Cty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn quốc như CTCP đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột), cũng đang đối mặt với thực tế hoạt động cầm chừng và theo lãnh đạo DN họ chỉ có thể hoạt động bình thường nếu lãi suất ngân hàng giảm xuống 10%.
Đại diện lãnh đạo Cty cà phê Đức Lập cho biết, ngoài việc đầu tư dàn trải, bản thân các DN đang phải “gồng mình” chịu sức ép lớn hơn từ các đối thủ nước ngoài, giàu tiềm lực về vốn.
Thông thường trong kinh doanh, quốc gia nào làm chủ được về sản lượng một mặt hàng nào đó thì sẽ đóng vai trò quan trọng trong điều tiết giá cả thị trường. Thế nhưng ngành cà phê VN thì ngược lại. Người trồng cà phê và các DN xuất khẩu VN bị đẩy ra khỏi “cuộc chơi” do không kiểm soát được giá, mặc dù VN là một cường quốc cà phê. Theo phân tích của chuyên gia cà phê Đoàn Triệu Nhạn, nguyên nhân là do phần lớn người trồng cà phê và DN không đủ tiềm lực về tài chính, nên phải bán vội cà phê ngay sau thu hoạch để lấy tiền trả nợ vay và duy trì sản xuất. Đến cuối vụ, khi giá lên cao thì trong kho chỉ còn lại rất ít.
Các DN trong nước phải tự cơ cấu, “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” để có thể chủ động trên sân nhà. |
Phải tự tái cơ cấu
Theo ông Nhạn, các DN trong nước phải tự cơ cấu, “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” để có thể chủ động trên sân nhà. Phát triển quá nóng, vượt khả năng quản trị và năng lực về vốn dẫn tới thua lỗ là bài học không mới nhưng nhiều DN cố ý hay vô tình “đi vào vết xe đổ” - ông Nhạn nói. Tuy nhiên, ông Nhạn cho rằng, vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển cà phê VN là phải cải tiến tổ chức ngành hàng, trong đó cần có một ủy ban điều phối để tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh.
Việc xốc lại hoạt động và quản trị của các DN ngành hàng cà phê trong thời điểm hiện nay là một yêu cầu bức thiết. Thế nhưng, ngoài sự nỗ lực của bản thân DN thì hơn lúc nào hết các DN cũng đang rất mong đợi vào sự thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn nữa vai trò của các nhà quản lý.
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp
Ý kiến bạn đọc