Ai cũng biết uống cà phê giúp cho chúng ta tỉnh táo, hưng phấn hơn, nhưng liệu cà phê còn có tác dụng nào cho sức khỏe nữa không?
1. Cà phê làm cho chúng ta thoải mái và dễ tính hơn
Hoạt chất trong cà phê là caffeine – một chất tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn.
Điều này chắc ai cũng nhận thấy sau 10-15 phút uống chút cà phê. Sự sảng khoái ấy tác động đến cả tâm lý, khiến người ta dễ tính, sẵn sàng bỏ qua những chuyện vặt vãnh, sẵn sàng gật đầu. Trong cuộc khảo sát của các nhà khoa học Úc, ĐH Queensland trên 400 người tình nguyện vốn có quan điểm chống lại việc nạo thai và “chết êm ái”.
Cùng uống một cốc nước giống như nhau, rồi đọc một bài báo của phe chống đối hai quan điểm ấy. Sau đó hỏi ý kiến họ, đa số người uống nước cam pha chút caffeine thay đổi quan điểm, đồng tình với bài báo vừa xem. Còn những người uống nước cam đơn thuần vẫn “giữ vững lập trường”. Chẳng phải cà phê là loại nước uống mang đầy tính hòa giải và thuyết phục sao?
2. Cà phê làm tiêu mỡ
Một bí mật: Cindy Crawford thoa bã cà phê lên người để… giữ được một cơ thể săn chắc với những đường cong tuyệt mỹ. Đó là lý do vì sao trong các loại kem thoa để tiêu lớp mỡ dưới da đều có chứa caffeine. Chuyên gia thẩm mỹ Tiến sĩ Elisabeth Dancey cho biết: “Khi chúng ta dùng một chế phẩm caffeine hòa trong rượu cồn, caffeine sẽ thấm qua da và kích thích các tế bào giải phóng axit béo, nhờ vậy giảm được lớp mỡ đọng. Uống trà và cà phê dưới 2 ly mỗi ngày sẽ giúp bạn đẩy mạnh được sự chuyển hóa chất béo”. Nhưng cà phê cũng là một con dao hai lưỡi tại chính nơi đọng mỡ. “Nếu bạn dùng trên 2 ly, nó thúc đẩy sự tuần hoàn cục bộ làm tích tụ các chất độc ở đây”. TS Dancey nói thêm.
3. Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen và chữa được dị ứng
Nhiều tài liệu y học nói đến tác dụng của caffeine làm những người bị hen thở dễ dàng hơn và giảm nguy cơ bị lên cơn hen. Từ cuối thế kỷ 19, nhà văn Pháp Marcel Proust, bị bệnh hen, đã viết “Khi còn nhỏ, chính caffeine đã giúp tôi thở được”. Nhiều công trình nghiên cứu hiện nay đã khẳng định điều này. Một công trình ở Ý, theo dõi trên 70.000 người đã khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly cà phê mỗi ngày, nguy cơ bị các cơn hen tấn công giảm được 28%. Cà phê rất có ích trong việc chế ngự các phản ứng dị ứng của những người hay bị triệu chứng này. Vì nó có tác dụng làm giảm sự giải phóng histamin vào trong máu, vốn là nguyên nhân gây dị ứng.
4. Cà phê giúp giảm đau
Những loại thuốc giảm đau thường chứa caffeine. Bởi cà phê đẩy nhanh tác dụng của các chất làm giảm cơn đau bằng cách giúp cho chúng được hấp thụ nhanh chóng. Một tách trà hoặc cà phê nóng có thể làm bạn khỏi đau đầu là điều mà ai cũng biết. Quả vậy, nếu những chất làm giãn mạch thường gây đau đầu thì caffeine lại làm cho mạch máu co lại. Những thuốc giảm đau chứa caffeine thường giảm được liều lượng sử dụng và như vậy có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào thuốc (vì thuốc là hóa chất, chẳng bao giờ nên dùng nhiều). Tại Mỹ, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Georgia cho biết rằng uống java (một loại giải khát chứa caffeine) có tác dụng làm giảm đau cho cơ bắp của các vận động viên trong những bài tập nặng tốt hơn uống aspirin.
5. Ngăn ngừa khả năng bị ung thư da
cho thấy: Những phụ nữ uống nhiều hơn ba cốc cà phê mỗi ngày giảm 21% khả năng phát triển ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) so với những phụ nữ uống ít hơn một tách cà phê có chứa cafein mỗi tháng. Đối với nam giới, tỉ lệ giảm nguy cơ này là 10%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho thấy rằng uống cà phê chứa càng nhiều cafein, càng giảm được nguy cơ phát triển BCC-hình thức phổ biến nhất của ung thư da. Nhưng phát hiện này không có nghĩa là bạn uống cà phê thay vì dùng kem chống nắng hàng ngày.
6. Cà phê kích thích hoạt động trí óc
Cà phê có tốt cho não không? Nhóm nghiên cứu của GS Andrew Scholey, Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức và Khoa học nơ ron thuộc ĐH Northrumbia (Anh), khẳng định là rất tốt. Những người tình nguyện chia thành nhóm uống cà phê hằng ngày và nhóm không hề uống cà phê. Mỗi nhóm dùng một lượng caffeine như nhau và trắc nghiệm về nhận thức. Kết quả đều tốt như nhau. GS Scholey nói: “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng caffeine trong một ly cà phê làm tăng được sự tỉnh táo, minh mẫn và tập trung trong các hoạt động về trí tuệ, làm tăng được tốc độ tư duy. Nó còn tăng được khả năng sáng tạo. Nhà văn Pháp Honoré de Balzac, tác giả bộ “Tấn trò đời” khổng lồ đã uống cà phê đặc để sáng tác thâu đêm. Ông thường bảo ông uống cả một ao cà phê không đường để làm nên tác phẩm để đời này.
7. Cà phê làm tăng sức mạnh của cơ bắp
Cà phê làm tăng sức mạnh khiến người ta có thể nhảy cao hơn, xa hơn, chạy nhanh hơn. Đó là lý do tại các Thế vận hội quốc tế có quy định giới hạn hàm lượng caffeine trong máu các vận động viên trong thi đấu. Năm 2003 một nhóm nghiên cứu tại Viện Thể dục Thể thao Úc tại Canberra nhận thấy các vận động viên uống một chút caffeine trước khi luyện tập có thể tăng thành tích từ 3 đến 30% so với người không uống. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng caffeine kích thích sự đốt cháy chất béo chứ không phải chất đường trong bắp thịt để sinh năng lượng. Các nghiên cứu khác chứng minh caffeine làm giảm sự mệt mỏi.
8. Cà phê chống lại bệnh tiểu đường type II
Từ lâu người ta đã nghi ngờ có một sự liên quan nào đó giữa caffeine và đường glucoze. Một công trình nghiên cứu trên 160.000 cả nam lẫn nữ đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine xuất bản tại Mỹ cho rằng những ai uống nhiều caffeine (tất nhiên không lạm dụng) thường mắc ít bệnh tiểu đường type II hơn những người uống ít hoặc không uống. Ngay trong số những người “ghiền cà phê”, ai uống cà phê đã khử caffeine có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn người uống cà phê thường. Một công trình nghiên cứu tại Nhật năm 2005 có cùng kết luận này.
9. Cà phê có thể hạn chế các tổn thương gan do uống rượu
Theo các nhà khoa học, uống rượu làm tăng nồng độ các enzyme gan gamma-glutamyl transferase (GGT) trong máu và theo thời gian , bệnh gan sẽ xuất hiện. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát trên 19.000 nam giới Phần Lan và phụ nữ ở độ tuổi từ 25 và 74 về sự liên quan giữa việc sử dụng cà phê và uống rượu. Những người đàn ông tham gia nghiên cứu tiêu thụ khoảng 3,5 đồ uống mỗi ngày, tức là hơn 24 đồ uống có cồn mỗi tuần. Trong số những người thú nhận nghiện rượu nặng, những ai dùng năm tách cà phê hoặc nhiều hơn mỗi ngày cho thấy họ đã giảm được 50% GGT trong máu so với những người không sử dụng thức uống này. Tuy nhiên, ở nữ giới, dường như cà phê không có tác dụng với sức khỏe lá gan của họ. Ngoài rượu, thuốc lá, tuổi tác và thừa cân cũng có thể làm tăng nồng độ GGT trong máu và cà phê giúp giải quyết vấn đề này khá hiệu quả. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định loại cà phê và cách chế biến không ảnh hưởng tới kết quả hạ GGT. Chất caffeine trong cà phê đã làm được hơn những gì mà chúng ta vẫn kỳ vọng, nhất là đối với nam giới, những người vốn không muốn từ bỏ thức uống có cồn mà vẫn mong muốn có một lá gan khỏe mạnh.
10. Uống cà phê có thể phát huy tác dụng chống viêm
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Phần Lan và Đức cho thấy, uống cà phê có thể phát huy tác dụng chống viêm và giúp điều tiết mật độ lipoprotein cholesterol cao trong cơ thể người. Báo cáo cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm bằng cách cho 47 đối tượng nghiện cà phê thực hiện biện pháp cai nghiện cà phê trong vòng 1 tháng. Sau đó bước sang tháng thứ 2, các nhà khoa học tiếp tục cho các đối tượng hàng ngày uống 4 cốc cà phê được pha bằng phương pháp thủ công truyền thống. Sang tháng thứ 3, các đối tượng hàng ngày uống 8 cốc càphê được pha bằng phương pháp như trước đó. Thông qua phân tích mẫu máu của các đối tượng, các nhà khoa học phát hiện, tháng cuối cùng của đợt thí nghiệm, mức độ interleukin-18 có tính chất gây viêm trong máu của các đối tượng thí nghiệm đã giảm xuống 8% và mức độ 8-isoprostane giảm xuống 16%. Tuy nhiên, yếu tố chống viêm (mức độ adiponectin) lại tăng cao 6%. Vì vậy các nhà khoa học cho rằng, uống càphê có thể làm chậm lại bệnh viêm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện, uống càphê cũng có tác dụng điều tiết mật độ lipoprotein cholesterol cao trong cơ thể người. Mật độ lipoprotein cholesterol trong tháng cuối cùng của các đối tượng thí nghiệm đều có chuyển biến tốt, trong đó mật độ lipoprotein cholesterol có lợi cho sức khỏe tăng lên 7%.